Kính thưa quý thầy cô và các em học sinh thân mến!
Hoà trong không khí tưng bừng cả nước tổ chức Ngày Sách và Văn hóa Việt Nam, hôm nay thư viện trường THCS Nhơn Tân xin trân trọng giới thiệu đến các bạn sự ra đời và ý nghĩa của Ngày sách và Văn hóa Việt Nam 21/4.
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của con người. Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi con người. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-Ttg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Cách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
Ngày 21/4 được chọn là Ngày Sách Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2021, căn cứ vào quy định của Luật Thư viện năm 2021 và thực tiễn phát triển văn hóa đọc, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1862/QĐ-Ttg ngày 4/11/2021 về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thay thế Quyết định số 284/QĐ-Ttg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.
Theo Quyết định số 1862/QĐ-Ttg Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm:
1. Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
2. Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, các bộ ngành địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm xây dựng, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc. Các thư viện, trường học, nhà xuất bản, các cơ quan phát hành và nhiều tổ chức, cá nhân đẩy mạnh giới thiệu các tác phẩm, các cuốn sách hay, bổ ích, đa dạng về nhiều thể loại, phong phú với nhiều chủ đề đến với bạn đọc, các chương trình giao lưu với tác giả, tọa đàm, giao lưu văn hóa, trình diễn các bài hát, tác phẩm văn học nghệ thuật về sách được triển khai, nhiều cuộc thi chia sẻ sách hay nhằm khuyến khích đọc, truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Nhiều nơi đã phát động tháng đọc sách và tuần lễ đọc sách trong những ngày tháng 4, mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh sinh viên đã nô nức hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhiều hoạt động thiện nguyện được triển khai nhằm tạo thêm những không gian đọc thân thiện cho mọi người, nhiều cuốn sách hay đã được trao tặng, tình yêu đọc sách được trao truyền và lan tỏa khắp đất nước từ thành thị đến nông thôn, miền núi.
Thưa thầy cô và các em học sinh, bằng những hoạt động thiết thực của mình, chúng ta hãy cùng nhau đẩy mạnh phong trào đọc sách báo trong nhà trường, để “văn hóa đọc” ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần to lớn vào việc dạy và học trong nhà trường.
Thư viện trường THCS Nhơn Tân rất hân hạnh phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của thầy cô và các em.
Chúc quý thầy cô và các em có những ngày đọc sách vui vẻ, ý nghĩa và hiệu quả. Thân ái chào quý thầy cô và các em học sinh!